Đào tạo hướng dẫn viên du lịch cho người khiếm thính
Chuyện bắt đầu cách đây nhiều năm, khi một Việt kiều là doanh nhân, đề nghị với chị Thi (GĐ Cty DL Quốc tế Nụ cười) trở thành đối tác để nối dài tour du lịch dành cho người khiếm thính Mỹ của anh về đến Việt Nam. Nghe cũng có vẻ hay, mới lạ và muốn thử sức, nên chị Thi nhận lời.
Tìm hiểu trên mạng, tìm thông tin, gửi thông báo và tìm đến các trường, câu lạc bộ khiếm thính, chị tìm, làm quen và mời được hơn 20 bạn trẻ khiếm thính để mở lớp dạy làm HDV tour du lịch dành cho người khiếm thính.
Lấy chính địa điểm công ty khi đó làm lớp học, sáng là công ty, đến tối trở thành lớp học sáng đèn. Vì chưa biết ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với các bạn khiếm thính, nên chị Thi mời thêm phiên dịch để giúp chị truyền đạt kiến thức muốn dạy cho các em. Các bạn khiếm thính đều rất háo hức với dự án mới này, nhưng việc học để trở thành HDV du lịch chẳng đơn giản tí nào.
Với các bạn khiếm thính, nhất là do bẩm sinh, thì việc tiếp thu những kiến thức như người nghe nói bình thường rất khó. Có rất nhiều từ ngữ, khái niệm, nhất là những từ, khái niệm trừu tượng các em hầu như chưa học, hiểu được. Cho nên, “Ngoài các kỹ năng hướng dẫn du lịch, mình còn phải bổ sung kiến thức nền, các em lớ ngớ ngay cả với những khái niệm đơn giản như kiến trúc, thủ đô, long lanh, lộng lẫy…”, chị Thi nhớ lại. Chị kể: “Không ít lần cả lớp ngẩn tò te vì khái niệm quá ư trừu tượng, mà cả tôi lẫn người phiên dịch đều không tìm đâu ra dấu ký hiệu thích hợp để diễn đạt”.
Mặc dù có người phiên dịch hỗ trợ, nhưng để chủ động “nói chuyện” được với những người bạn mới, chị Thi đăng ký một lớp học Ngôn Ngữ Ký Hiệu ở một trung tâm của NKT. Và mỗi cuối tuần chị lại cặm cụi đi học từng ký hiệu, dấu tay, với hi vọng có ngày tự giao tiếp được với người khiếm thính để việc dạy và hướng dẫn cho các bạn được dễ dàng hơn.
Về sau, ngoài kiến thức cần thiết, chị sử dụng hình ảnh trực quan sinh động. Ngoài ra còn cho các em thực hành xử lý tình huống tác nghiệp. Nhiều khi gặp phải tình huống “cười ra nước mắt”, như chuyện các bạn trẻ khiếm thính thực hành thuyết minh cho du khách nước ngoài. Có bạn quá sơ lược, có bạn lại dài dòng đến…buồn ngủ. Thay vì giới thiệu Vũng Tàu với biển xanh, cát trắng, hải sản tươi ngon… thì một bạn lại giới thiệu khách đến…tụ điểm hát karaoke. Hóa ra bạn này (nói được nhưng nghe kém) đã từng được hát karaoke trong một lần cùng gia đình đi du lịch Vũng Tàu trước đây nên giờ muốn giới thiệu lại cho du khách. “Có bữa dạy xong tối về không sao ngủ được, vừa mệt vừa tức vừa buồn cười”, chị Thi tâm sự. Ròng rã suốt ba tháng thì phải tạm nghỉ do cả thầy lẫn trò đều… đuối sức.
Chẳng dễ dàng nhưng có thể được
Giữa bộn bề công việc kinh doanh và sự khó khăn của việc dạy, đào tạo HDV du lịch khiếm thính, cứ tưởng chị Thi đã xếp lại dự án này. Nhưng cuối cùng, nhờ sự động viên của nhiều người chị đã quyết định khởi động lại lớp học. Lần này, chị quyết định chỉ chọn vài bạn khiếm thính khá nhất để đào tạo chuyên sâu cấp tốc, mời cả giáo viên khiếm thính nước ngoài về dạy Ngôn ngữ ký hiệu quốc tế (International Sign Language – ISL) rồi nhanh chóng mở tour.
May mắn làm sao, khi không lâu sau đó đã có tour cho khách khiếm thính nước ngoài đầu tiên đến từ Mỹ, một cơ hội thực tập và trải nghiệm làm HDV tour khiếm thính thực tế cho cả lớp. Cả thầy lẫn trò đều vỡ òa niềm vui khi ngay lần ra quân đầu tiên đã được du khách nước ngoài khen nức nở. “Điều đó chứng tỏ tuy công việc không dễ dàng nhưng vẫn có thể làm được”, chị Thi bộc bạch.
Chị tâm sự: “Nếu chỉ tính đến hiệu quả kinh doanh thì chắc khó có ai muốn phát triển tour dạng này bởi mất sức lắm”. “Nhưng nhờ dự án này, mình hiểu thêm về cách sống, tình cảm, đặc điểm tâm lý, nghị lực vươn lên trong cuộc sống, cách phục vụ người khuyết tật…”.
Chị Minh Thi (bìa phải) và các bạn thuộc dự án “Tour du lịch dành cho người khiếm thính” chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo về việc làm cho người khiếm thính
Nên duyên từ lớp học HDV Khiếm thính
Trong số những HDV khiếm thính, có 2 bạn đã làm quen với nhau qua lớp học dự án. Đó là 2 bạn Dung, Mai. Bạn trai tên Dung, mỗi chiều tối đều đến chỗ bạn gái tên Mai ở trọ. “Mình giúp chở Mai đến lớp học vì bạn ấy không có xe lại ở xa, mà buổi tối không có xe buýt. Mỗi buổi học xong vào khoảng 9h tối, mình lại chở Mai về tận phòng trọ, rồi mới về đến nhà anh chị của mình ở Bình Chánh, nhiều khi về đến nhà là đã 11h đêm” Dung kể.
Sau 4 năm quen nhau, 2 bạn trẻ Dung và Mai đã chính thức làm đám cưới, trở thành vợ chồng và chuyển ra Hà Nội sống chung nhà bạn gái, vì cuộc sống mưu sinh, 2 bạn làm những công việc khác nhau, Dung làm cho một Cty BĐS ở HN, Mai làm may mặc, quần áo. Đến nay, 2 bạn đã có một bé gái 4 tuổi, nghe nói tốt, và giờ đây 2 bạn quyết định theo đuổi lại đam mê, là trở thành HDV du lịch dành cho tour khiếm thính và mong muốn góp phần phát triển cộng đồng người khiếm thính qua website SignCafe.Club – CLB Ngôn Ngữ Ký Hiệu.
Hai bạn cũng đã làm một kênh trên Youtube: https://www.youtube.com/c/SignCafeClub
https://www.youtube.com/watch?v=28qHZFb7q48
và trang trên Facebook: https://www.facebook.com/signcafe.club/
Mong các bạn ủng hộ cho dự dịnh mới của đôi vợ chồng khiếm thính này nhé!
Cảm ơn tất cả các bạn! <3 🙂
Nguồn: Deaf Travel- Tour du lịch Khiếm thính ở Việt Nam