Đây là Lê Thiện Nhân, một cậu bé ở trung tâm hỗ trợ người khiếm thính CED mình gặp sáng nay.
Trong suốt gần 2 tiếng mình ngồi nói chuyện với chị Dương Phương Hạnh (giám đốc CED) thì Nhân cặm cụi ngồi kế bên tập viết và tập đọc.
Nhân có thể tập trung như vậy khi xung quanh có gần chục bé khác vẫn chạy nhảy nô đùa vì thính lực của em rất yếu. Nhưng quan trọng hơn cả, vì em có một khát khao được nghe và nói.
Mình hỏi em tên gì, bao nhiêu tuổi, học ở đâu… em đều trả lời rành rọt dựa trên việc quan sát “tín hiệu môi”, tức là nhìn vào miệng người đối diện.
Nhưng câu trả lời của em thì mình không nghe nổi nếu không có chị Hạnh “phiên dịch” giúp vì nó chỉ tạch tè và méo mó dù Nhân đã cố gắng rất nhiều.
Khả năng đọc tín hiệu môi của chị Hạnh thuộc hàng “siêu đẳng” giúp chị tự tin khi hoà nhập cộng đồng. Nhưng chị nói, chị vẫn run sợ khi phải đi bệnh viện.
“Vì mỗi lần gặp bác sĩ, họ đeo khẩu trang khám bệnh thì chị không thể “nghe” được họ nói cái gì. Gặp chị tự tin còn năn nỉ bác sĩ mở khẩu trang ra để chị… coi miệng, chứ đa số người (khiếm thính) khác là họ thua rồi”.
“Tại sao họ không đề nghị bác sĩ như chị vậy?”
“Vì họ sợ nên không dám nói. Có người đi chữa răng lý ra chỉ cần trám thôi là được, nhưng bác sĩ nói gì họ có nghe đâu, cái gì cũng gật rồi kết quả là bị nhổ luôn mấy chiếc. Họ khiếp quá lần sau có bệnh cỡ nào cũng không dám bước chân vào bệnh viện”
Ngay cả việc đơn giản như đứng xếp hàng chờ lấy kết quả trả về cũng là một cực hình vì tới khi người ta đọc tên mình có nghe thấy gì đâu. Nhiều khi chờ hoài sợ xót tên đến hỏi cũng bị la xối xả.
Bình thường thì các y bác sĩ cứ cúi mặt đọc tên nên người khiếm thính không “nghe” được, còn khi mắng thì họ ngước lên nhìn nên mình coi dấu môi người ta được hết. Thế là mình biết mình bị mắng.
“Người khiếm thính về sinh hoạt kể lại với nhau, họ sợ rồi cũng im luôn đâu dám mở miệng nói gì. Dù thực lòng không ai muốn đã điếc rồi còn phải “câm” luôn như vậy”.
Chị Hạnh kể, trong trung tâm của chị, có một em bé còn ham nói đến mức tự lấy tay bóp miệng để luyện khẩu hình. Dù việc này vô cùng đau đớn. Trong khi em bé chỉ mới 6 tuổi thôi.
Thế mới biết, cái khát khao được cất tiếng nói ở những người khiếm thính mãnh liệt đến chừng nào. Vậy còn mình, có đủ tứ chi ngũ giác, hà cớ gì lại phải im lặng đúng không?
Nguồn: Blogger Nguyễn Ngọc Long
Nguồn: Cất được tiếng nói - nỗi khát khao thầm lặng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét